Đăng ký  |  Đăng nhập
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin Điện tử Công ty Điện lực Lạng Sơn - EVNNPC 
 
PC Lạng Sơn: Hướng tới số hóa trong quản lý vận hành
 
2021-11-30 10:11:21

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, địa bàn rộng, thời tiết khắc nghiệt, địa hình đồi núi chia cắt, có 5 huyện biên giới phía Bắc với 253 km đường biên với Trung Quốc, nhiều dân tộc sinh sống. Xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn kém phát triển, điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống dân cư nông thôn còn nhiều khó khăn. Những yếu tố này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến vận hành lưới điện, cũng như đặt ra cho Công ty Điện lực Lạng Sơn luôn vừa phải thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải đảm bảo cho an ninh quốc phòng.

  

 Ban Lãnh đạo PC Lạng Sơn chụp ảnh lưu niệm tại Lễ công bố Quyết định thành lập Trung tâm điều khiển xa Lạng Sơn

TÍCH CỰC ÁP DỤNG CÁC GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CẤP ĐIỆN

Các tuyến đường dây trải dài qua địa hình chủ yếu đồi núi, điều kiện giao thông khó khăn, hành lang tuyến phức tạp, phụ tải phân tán nên công tác quản lý vận hành gặp không ít trở ngại, thách thức. Với 02 cửa khẩu Quốc tế, 01 cửa khẩu Quốc gia và 09 cửa khẩu phụ, nhiệm vụ của ngành Điện luôn phải cấp đủ điện, an toàn liên tục cho giao thương, thu hút đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, góp phần đảm bảo an ninh chính trị. Bên cạnh đó, những năm gần đây, yêu cầu về chất lượng điện năng, độ tin cậy cấp điện cho khách hàng ngày càng cao, chủ trương phát triển các khu cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, đô thị của tỉnh Lạng Sơn kèm theo những yêu cầu rất khắt khe về khả năng cấp điện liên tục, ổn định điệp áp, tần số. Áp lực các chỉ tiêu quản lý kỹ thuật, năng suất lao động của ngành Điện ngày càng cao.

Xác định yêu cầu hiện đại hóa lưới điện, số hóa trong quản lý vận hành là giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện các chỉ tiêu quản lý kỹ thuật, chất lượng cấp điện phục vụ khách hàng. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty đã nỗ lực đưa các giải pháp công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng lực vận hành lưới điện. Cụ thể: Đã đưa Trung tâm Điều khiển xa (TTĐKX) vào vận hành, điều khiển xa lưới điện phân phối toàn bộ 4 TBA 110 kV, 131 thiết bị bảo vệ phân đoạn Recloser/LBS. Thay vì phải trực vận hành 3 ca, 4 kíp tại mỗi điểm trạm truyền thống, nay các TBA 110 kV đều vận hành chế độ không người trực.

 

 

 Lãnh đạo Công ty làm việc tại Trung tâm Điều khiển xa Lạng Sơn

Các thông số vận hành công suất tác dụng, phản kháng, điện áp, dòng điện, tần số, … của lưới cao, trung áp đưa về Trung tâm Điều khiển xa tức thời và tự động ghi lưu trữ, tự động cảnh báo bất thường, phục vụ điều độ viên phân tích đánh giá, ra quyết định điều hành thao tác nhanh từ xa. Hiện đại hệ thống đo đếm, phát triển công tơ điện tử với số lượng trên 67%, tỉ lệ đo xa đạt trên 95%. Hoàn thiện hạ tầng mạng viễn thông công nghệ thông tin với tiêu chí 1+1 đảm bảo an toàn, tin cậy truyền dẫn dữ liệu. Trong điều kiện nguồn đầu tư còn hạn chế, các TBA 110 kV vào chậm nên các tuyến trung áp còn trải dài liên huyện, bán kính cấp điện lớn, địa hình phức tạp, mức độ tin cậy thấp, nên các chỉ số thời gian mất điện trung bình, số lần mất điện trung bình của khách hàng còn khá cao. Ban lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tính toán mở rộng liên kết đa điểm lưới trung áp, hòa đồng bộ trên các đường dây khép vòng, bước đầu DMS tự động hóa lưới trung áp với khả năng tự động điều chỉnh thay đổi phương thức kết dây, cô lập điểm sự cố giảm tối thiểu số lượng khách hàng bị ảnh hưởng; Không mất điện khách hàng khi chuyển nguồn, thay đổi phương thức; Đưa các thiết bị, công cụ công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Công ty đã thực hiện được 287 phiên thi công sửa chữa điện nóng (hotline) trên lưới 22 kV, 352 phiên rửa cách điện đang mang điện, sử dụng các thiết bị camera nhiệt, flycam, đo phóng điện cục bộ hiệu suất cao trong kiểm tra lưới điện. Qua đó, đã thực hiện tốt các chỉ tiêu sự cố, độ tin cậy cung cấp điện được giao, đảm bảo nhiệm vụ cấp điện an toàn, liên tục trên địa bàn Tỉnh.

NHỮNG BƯỚC ĐẦU SỐ HÓA TRONG QUẢN TRỊ

Bám sát Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV của Hội đồng Thành viên EVN và Chỉ thị số 2511/CT-EVNNPC của Tổng công ty, hướng tới mục tiêu “số hóa thông tin”, “số hóa quy trình” và “số hóa toàn diện”, ông Phạm Ngọc Minh – Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn đã chỉ đạo các phòng, trung tâm thực hiện hoàn chỉnh các hệ thống điều khiển, giám sát, đo xa, quản lý thông tin hạ tầng lưới điện, đồng bộ dữ liệu các phần mềm phục vụ khai thác chung. Nâng hiệu suất lao động thông qua số hóa quy trình làm việc, quản lý trình tự công việc theo chuỗi, khắc phục sự rời rạc các mảng nghiệp vụ, bộ phận khác nhau, hoặc thiếu tính liên kết, khâu làm tay, khâu làm máy dẫn đến khó giám sát đôn đốc và tra cứu hồ sơ, dữ liệu. Qua đó, việc tương tác giữa các mảng nghiệp vụ, với khách hàng từ trao đổi trực tiếp, trao đổi qua giấy đã được hiện đại hóa trên môi trường số, giao việc, nhận việc, báo cáo có thể thực hiện được ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, giúp quản trị hiệu quả thời gian, công việc các khâu.

 

 

 Thi công sửa chữa điện nóng lưới trung áp 22kV

Đặc biệt, trong điều kiện các dự án ĐTXD lưới 110-220 kV vào chậm, ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện chỉ tiêu tổn thất điện năng lưới cao áp và trung áp, Giám đốc Công ty đã chỉ đạo các Phòng Kỹ thuật, Kinh doanh, TTĐKX xây dựng phương án thu thập, phân tích số liệu phục vụ điều hành kinh tế lưới điện với các yêu cầu: Phân bổ tối ưu công suất các TBA 110 kV; đề xuất phương thức vận hành lưới 110 kV để tổn thất điện năng nhỏ nhất với Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc theo biến động của nguồn, của phụ tải; Điều hành kết dây linh hoạt các mạch vòng trung áp, cân bằng phụ tải tối ưu điểm mở; Điều tiết đóng, cắt các bộ tụ bù trung, hạ áp theo biến động phụ tải; Các quyết định điều hành lưới yêu cầu nhanh hơn và chính xác hơn, cũng như làm căn cứ xác định các nhu cầu đầu tư tối ưu cho lưới điện… Có thể nói, những ngày đầu tiên triển khai, cán bộ chuyên viên các phòng đã gặp không ít khó khăn, các phương án lấy mẫu, sàng lọc số liệu ban đầu chưa đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, trải qua gần ba tháng tìm tòi, củng cố đã phân định được thành công các nhóm dữ liệu, phục vụ sử dụng tức thời, sử dụng đánh giá theo ngày, đánh giá theo tuần phù hợp với từng cấp điện áp, đối tượng khác nhau. Đến nay, sau gần 01 năm triển khai, Công ty đã đạt được một số kết quả nhất định như: Tổng lượng điện năng vô công qua các TBA 110 kV toàn tỉnh giảm được 50% so với cùng kỳ năm trước trong điều kiện phụ tải vẫn tăng trưởng 7,95%; tổn thất điện năng lưới 110 kV giảm được 0,56% trong điều kiện chưa có đầu tư, hoàn toàn bằng biện pháp quản lý điều hành lưới; tổn thất điện năng lưới trung, hạ áp giảm được 1,07% (là mức giảm sâu nhất trong những năm qua) nhờ góp phần không nhỏ của công tác điều hành kinh tế lưới điện, công tác đầu tư trọng tâm, hiệu quả. Hàng quý Công ty được Tổng công ty điện lực miền Bắc biểu dương khen thưởng.

 SỐ HÓA - CON ĐƯỜNG TẤT YẾU

Năm 2021, dự kiến Công ty hoàn thành tốt chỉ tiêu tổn thất điện năng được giao, tạo bước đệm tại năm bản lề giai đoạn 05 năm 2021-2025. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác chăm sóc khách hàng, nhận diện thương hiệu, đồng bộ quy cách đánh số, đánh mã ngoài lưới, dễ quản lý, đảm bảo mỹ quan…, Công ty đã thực hiện chuẩn hóa thông tin khách hàng từ thực tế lưới điện, đến phần mềm trên địa bàn tỉnh cho 510 khách hàng có TBA chuyên dùng, gần 252.000 khách hàng sau các TBA công cộng. Tiếp theo là nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ như: Lộ trình thu thập chỉ số công tơ, kiểm soát tình hình sử dụng điện, sửa chữa khôi phục cấp điện khách hàng, cung cấp thông tin phục vụ lập phương án cấp điện mới nhanh chóng… Thực hiện chủ trương tiết giảm chi phí, Công ty đã bước đầu áp dụng giải pháp bảo dưỡng sửa chữa thiết bị theo điều kiện vận hành (CBM), giảm các chi phí thay thế thiết bị, nhân lực sửa chữa định kỳ, thí nghiệm định kỳ không cần thiết hàng năm, hạn chế thời gian ngừng giảm cấp điện khách hàng.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ số hóa công tác quản lý kỹ thuật yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao. Đó là xây dựng, chuẩn xác toàn bộ cơ sở dữ liệu hạ tầng từ lưới điện 110 kV đến lưới trung áp, hạ áp trên toàn tỉnh (PMIS); Phát triển bản đồ lưới điện trên nền GIS làm cốt lõi dựa trên nền tảng các phần mềm hiện có, các cấp quản lý từ Điện lực đến Công ty, Tổng Công ty đều có thể khai thác; Đảm bảo các dữ liệu tĩnh, dữ liệu động phục vụ điều hành kinh tế lưới điện; Quản lý khách hàng chi tiết trên bản đồ, hỗ trợ công tác dịch vụ khách hàng,... Số hóa tối đa quy trình làm việc, tương tác số giữa các khâu, bộ phận làm công tác quản lý vận hành…, đẩy nhanh tốc độ phát triển lưới điện tự động hóa, linh hoạt cao, nâng cao năng lực cấp điện cả chiều rộng và chiều sâu.

 

 Rửa cách điện đang mang điện trên đường dây 35kV

 

 

Với những mục tiêu số hóa trong quản lý vận hành lưới điện đã đặt ra, trước mắt sẽ còn không ít những khó khăn, thử thách cho Công ty, bởi với khối lượng công việc đồ sộ, cơ sở dữ liệu ban đầu cần hoàn thiện rất lớn. Khó khăn đầu tiên và quan trọng nhất chính là thay đổi nhận thức, tư duy, phương pháp làm việc của người lao động; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ một số chưa đáp ứng… Tuy nhiên, với những kết quả ban đầu làm động lực, các ý tưởng sáng tạo tích cực của CBCNV trong Công ty, hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, công tác chuyển đổi số của Công ty Điện lực Lạng Sơn sẽ thành công, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021-2025.

 

 

 Công nhân tổ thao tác lưu động rà soát thiết bị TBA 110 kV bằng camera nhiệt

 

 

 Phạm Ngọc Việt- Trưởng phòng Kỹ Thuật

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Tin cùng thư mục :

Danh Mục
Thống kê
Membership Thống kê
Latest New User Mới nhất : Cassandra784
Past 24 Hours Hôm qua : 0
Prev. 24 Hours Hôm nay : 0
User Count Toàn bộ : 2795

People Online Đang Online:
Visitors Khách : 27
Members Thành viên : 0
Total Tổng cộng : 27

Online Now Online Now:
Lên trên  |   Trang Chủ  |  Giới Thiệu  |  ĐK Mua Điện  |  Lien He  |  So Do  |  Lịch Cắt Điện  |  LichTuan  |  GopY  |  zTHSX  |  Trang Chủ