Đăng ký  |  Đăng nhập
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin Điện tử Công ty Điện lực Lạng Sơn - EVNNPC 
 
CÔNG TY ĐIỆN LỰC LẠNG SƠN TỰ HÀO 55 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
 
2021-12-03 10:45:24

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, trong những năm tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Công nghiệp đã có Quyết định số: 1240/BCNN-KB2 ngày 03/12/1966 về việc thành lập Nhà máy điện Lạng Sơn, đặt mốc đầu tiên cho sự phát triển điện lực tỉnh Lạng Sơn - tiền thân của Công ty Điện lực Lạng Sơn ngày nay.

 

 

 

Nhà máy điện Lạng Sơn

Nhìn lại chặng đường đã qua, với các nhiệm vụ: Phát điện, vừa phát điện, vừa quản lý cung cấp điện, đến phát triển lưới điện để bán điện như ngày hôm nay, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Công ty Điện lực Lạng Sơn đã phải vượt qua vô vàn khó khăn gian khổ, những gian nan thử thách, nhưng các thế hệ CBCNVC-LĐ của Công ty luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tự hào với những thành tích đã đạt được, cùng những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước, CBCNV trong Công ty xứng đáng với truyền thống vẻ vang 55 năm xây dựng và phát triển. Những dấu ấn ấy đã được thể hiện đậm nét qua các thời kỳ.

ĐẶT NỀN MÓNG VỚI NHIỆM VỤ PHÁT ĐIỆN (1966-1979)

Lạng Sơn là tỉnh biên giới có tiếp giáp với Trung Quốc và các nước XHCN, là “cảng nổi”, đầu mối tiếp nhận, lưu trữ hàng hóa viện trợ của các nước Xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam. Để phục vụ điện trong điều kiện chiến tranh thời kỳ này, năm 1966 Chính phủ đã cho nhập về 10 tổ máy phát điện CE (tổ máy phát điện lưu động trọn bộ có công suất 1500 kW), Lạng Sơn được cấp một tổ máy, với công suất 1500 kW. Trong quá trình xây dựng, lắp đặt máy, khi đưa vào vận hành còn một số trục trặc, chưa phát điện được, nhưng với sự sáng tạo, cố gắng của tập thể CBCNV Nhà máy đã làm hệ thống khử bụi bằng nước để giảm ô nhiễm môi trường... Nhà máy đã phát điện và cấp điện trên địa bàn thị xã, huyện Cao Lộc, mỏ than Na Dương và Nhà máy dệt Tân Thanh.

 

 

Hậu quả chiến tranh Biên giới để lại (năm 1979)

Trong những năm 1973 - 1975, để tăng cường nguồn điện cho Lạng Sơn, Bộ Điện và Than cho lắp thêm 3 tổ máy G66 đưa công suất phát điện lên 3000 kW. Các huyện được cấp điện từ các cụm máy phát diesel công suất nhỏ và các Nhà máy thủy điện Khuổi Sao - huyện Tràng Định, Bản Quyền - huyện Văn Quan chỉ chạy vào buổi tối, mỗi ngày 3 - 4 tiếng cấp cho một số cơ quan của huyện.

Để phát điện được trong điều kiện đang có chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hệ thống tủ bảng điện được lắp đặt trong hang núi, nguồn than phục vụ cho nhà máy phải đưa từ Quảng Ninh về, có những lúc thiếu than, những người công nhân ngành Điện phải chắt chiu từng xẻng than để duy trì lò máy không bị ngừng vận hành, điều kiện sản xuất hết sức thiếu thốn, nhưng dòng điện luôn luôn được thông suốt nơi thị xã vùng biên địa đầu của Tổ quốc. Khẩu hiệu hành động lúc đó đối với mỗi CBCNV ngành Điện là “Khi trái tim người thợ điện còn đập, dòng điện không thể tắt”.

 

 

Khắc phục hậu quả sau chiến tranh

Sau năm 1975, Đất nước đã hoàn toàn thống nhất, cả nước bắt tay vào kiến thiết đất nước, xây dựng CNXH. Năm 1979, Lạng Sơn lại hứng chịu cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến tranh đã để lại nhiều đau thương và thiệt hại về cơ sở vật chất cho địa phương. Với ngành Điện Lạng Sơn khi đó, hầu hết đường dây, trạm biến áp và các thiết bị điện bị tàn phá nặng nề, ngành Điện đã nỗ lực khắc phục xong sau 55 ngày đêm. Vừa sẵn sàng tham gia chiến đấu, vừa sản xuất và bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân là nhiệm vụ của người lính - thợ điện trong những năm tháng chiến đấu đó và trong suốt những năm đầu thành lập, những người thợ điện vẫn kiên trì bám máy, duy trì dòng điện tỏa sáng vùng biên cương, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

 

 

Ông Vũ Hiền – Nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 1 phát biểu tại Lễ mừng công sau 55 ngày đêm khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới 1979  

THỜI KỲ VỪA PHÁT ĐIỆN, PHÁT TRIỂN LƯỚI ĐIỆN, VỪA QUẢN LÝ CẤP ĐIỆN (1979-1996)

Để đảm bảo nguồn và chủ động trong việc cấp điện cho một số khu vực trên địa bàn tỉnh, năm 1979 đơn vị đã đề nghị và được lãnh đạo Bộ Điện - Than chấp nhận bàn giao Nhà máy Thuỷ Cầm Sơn (4.500 kW) từ Sở Điện lực Hà Bắc về cho Điện lực Lạng Sơn.

Đây là giai đoạn chuyển đổi công tác quản lý của Nhà máy điện Lạng Sơn sang quản lý và phân phối điện. Ngày 25/4/1979, Sở Quản lý và Phân phối điện Lạng Sơn được thành lập trên cơ sở Nhà máy điện Lạng Sơn, được giao quản lý Nhà máy điện Lạng Sơn và Thủy điện Cấm Sơn để đảm bảo cấp điện trên địa bàn. Năm 1980, đường dây 35 kV Sông Hóa - thị xã Lạng Sơn dài 55 km được xây dựng và đưa vào vận hành. Cuối năm 1980, hệ thống điện của tỉnh được nối với lưới điện quốc gia bằng đường dây 35 kV từ Đồi Cốc đến Na Dương. Trong giai đoạn này, các thị trấn huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Đồng Bành, thị xã Lạng Sơn, thị trấn Cao Lộc, Mỏ Na Dương được cấp điện từ lưới điện quốc gia, góp phần cấp điện ổn định cho sản xuất, cho sự chỉ đạo của tỉnh, đặc biệt tại cơ sở 2 của tỉnh tại khu vực Đồng Bành. Để phục vụ các hoạt động cho quốc phòng, tất cả các cơ quan đầu não, các sở chỉ huy của các quân đoàn, sư đoàn, các đơn vị trên địa bàn đều được xây dựng các trạm biến áp để cung cấp điện, góp phần tăng cường khả năng quốc phòng trên toàn tuyến biên giới.

Tháng 01/1982, Sở Điện lực Lạng Sơn nhận bàn giao người và tài sản lưới điện Thị xã Lạng Sơn và các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, Chi Lăng, Hữu Lũng từ Công ty Điện lực của tỉnh sang để thực hiện quản lý vận hành và cung cấp điện, trực tiếp đảm bảo cấp điện đồng nhất trên địa bàn. Năm 1982, sau khi có đường dây 35 kV nối lưới điện quốc gia vận hành ổn định thì Nhà máy điện Lạng Sơn được dừng vận hành, hoàn thành sứ mệnh phát điện, việc tháo dỡ nhà máy được kết thúc vào năm 1984.

Tình hình cấp điện vừa được cải thiện một bước thì đến 1986, trận lụt lịch sử đã nhấn chìm nhiều trạm biến áp và đường điện trong nước lũ, gây thiệt hại vô cùng nặng nề. Lúc này, CBCNV ngành Điện lại phải gồng mình khắc phục, với quyết tâm cao, chỉ sau một tuần, toàn bộ hệ thống điện đã hoạt động trở lại bình thường. Sau trận đại hồng thủy, CBCNV Sở Điện lực Lạng Sơn tiếp tục bắt tay vào công cuộc xây dựng, mở rộng lưới điện, thực hiện xây dựng các đường dây 0,4 kV; 10- 35-110 kV các trạm biến áp 110 kV, các trạm trung gian, trạm phân phối.

Năm 1986, bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, dưới ánh sáng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng về phát triển kinh tế, xã hội miền núi, được sự giúp đỡ của Bộ Năng lượng, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, tháng 5/1990, Sở Điện lực Lạng Sơn đã tiến hành xây dựng xong đường dây 110 kV Bắc Giang - Đồng Mỏ và trạm 110 kV Đồng Mỏ, lưới điện Quốc gia 110 kV đã được đấu nối với Lạng Sơn. Sự kiện này đánh dấu một mốc son có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

 

 

Ông Lê Nhân Vĩnh - Giám đốc Công ty Điện lực I (người đứng thứ 3 từ trái sang) và chuyên gia Liên Xô (cũ) dự Lễ khánh thành trạm 110kV Đồng Mỏ (tháng 5/1990)

Sau khi đóng điện trạm 110 kV Đồng Mỏ, từ năm 1990 - 1993, Sở Điện lực Lạng Sơn đã nỗ lực báo cáo các cấp bộ, ngành, tạo nguồn vốn để triển khai thi công xây dựng các tuyến đường dây 35 kV tới trung tâm các huyện lỵ trong tỉnh. Đến ngày 31/12/1993, toàn bộ 11 huyện, thị xã trong tỉnh đã có điện lưới quốc gia, vượt trước kế hoạch của tỉnh 2 năm và vượt kế hoạch của Công ty 7 năm.

 

 

Thay trạm biến áp tại thôn Lũng Cải, xã Tú Tú Xuyên, huyện Văn Quan

Năm 1995, đường dây 110 kV Đồng Mỏ - Lạng Sơn và trạm 110 kV Lạng Sơn (trên nền nhà máy điện cũ) đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành, tăng công suất cấp điện cho tỉnh lên gấp đôi, góp phần cấp điện an toàn, ổn định.

 

 

Trạm 110kV Lạng Sơn

Giai đoạn này, ngành Điện Lạng Sơn đã thực hiện đưa điện lưới quốc gia đến 100% số huyện và 180/207 xã. Quy mô quản lý gồm 02 TBA 110 kV tổng công suất 50 MVA, đường dây 110 kV là 98,5 km; đường dây trung thế 1012 km; 422 trạm biến áp và 30.233 hộ có điện. Có thể nói rằng, thời kỳ đầu đi vào thực hiện nhiệm vụ vừa duy trì sản xuất điện, vừa quản lý vận hành lưới điện, bán điện tới các hộ dân, Sở Điện lực Lạng Sơn bộn bề khó khăn. Đặc biệt, Lạng Sơn có địa bàn rất phức tạp, hiểm trở, có 5 huyện biên giới phía Bắc với 253 km đường biên với Trung Quốc, có nhiều dân tộc sinh sống. Những yếu tố này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến vận hành lưới điện an toàn trên địa bàn. Tuy nhiên, trong khó khăn, người thợ điện vùng cao càng thể hiện bản lĩnh kiên cường của mình. Qua những việc làm thực tế trong xây dựng và quản lý lưới điện, cung cấp điện, người thợ điện Lạng Sơn đã xây dựng và tạo được lòng tin cho nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

THỜI KỲ CỦNG CỐ MÔ HÌNH QUẢN LÝ, TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN LƯỚI ĐIỆN ĐỂ BƯỚC ĐẦU THỰC HIỆN KINH DOANH BÁN ĐIỆN (1996 - 2010)

Ngày 08/3/1996, Sở Điện lực Lạng Sơn được đổi tên thành Điện lực Lạng Sơn, thực hiện chức năng của một doanh nghiệp là quản lý và kinh doanh điện năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Với mục tiêu phát triển lưới điện phủ kín đến 100% số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh để thúc đẩy kinh tế - chính trị - xã hội địa phương phát triển.

Thời kỳ này, Điện lực Lạng Sơn luôn hòa mình cùng công cuộc đổi mới của tỉnh, của Đất nước để vươn lên thành một điểm sáng của ngành Điện trong thời kỳ đổi mới. Với nỗ lực của CBCNV toàn ngành, cuối năm 2001, toàn bộ 8 cửa khẩu Quốc gia và Quốc tế, 21 xã biên giới đã có ánh sáng điện lưới quốc gia, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ an ninh - quốc phòng nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

 

 

Điện lực Lạng Sơn tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của 100% số xã trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến 2020 của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh, ngành Điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; Đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân; Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Đẩy mạnh điện khí hoá nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; Đảm bảo chất lượng điện năng để cung cấp điện với chất lượng ngày càng cao; đảm bảo giá bán điện theo quy định của Chính phủ. Đặc biệt, coi trọng tiết kiệm điện năng từ khâu phát, truyền tải đến khâu sử dụng...

Trong 2 năm 2009-2010, Điện lực Lạng Sơn đã hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của 100% số xã trên địa bàn tỉnh (181/181 xã), hơn 130.000 hộ dân nông thôn được ký hợp đồng sử dụng điện trực tiếp với ngành điện, đảm bảo người dân được hưởng giá điện theo đúng quy định của Chính phủ, vượt trước thời hạn Công ty Điện lực 1 giao 6 tháng. Sau khi tiếp nhận, Điện lực Lạng Sơn đã tiến hành thay công tơ, sửa chữa tối thiểu lưới điện để bán điện, đảm bảo công bằng về giá điện ở nông thôn với thành thị. Đến hết năm 2008, Lạng Sơn đã có 207/207 xã có điện lưới quốc gia về đến Trung tâm, tổng công suất đặt MBA 110kV là 90 MVA, trên 132 km đường dây 110 kV, 2.075 km đường dây trung thế, 1.020 trạm biến áp và gần 4.950 km đường dây 0,4 kV. Đến năm 2010, cả tỉnh có 94,88% số hộ dân có điện, trong đó 93,2% số hộ nông thôn có điện.

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI MÔ HÌNH ĐỂ PHÁT TRIỂN LƯỚI ĐIỆN VÀ CUNG CẤP CÁC DỊCH VỤ VỀ ĐIỆN (từ năm 2010 đến nay)

Ngày 14/4/2010, Điện lực Lạng Sơn được đổi tên thành Công ty Điện lực Lạng Sơn trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.

Giai đoạn này, Công ty đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kết thúc các kế hoạch 05 năm 2010-2015 và 2016-2020, Công ty Điện lực Lạng Sơn đều hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty giao về: Tổn thất điện năng; giá bán bình quân; doanh thu tiền điện; điện thương phẩm; công tác dịch vụ khách hàng; cơ chế một cửa; quản lý chất lượng đầu tư xây dựng; sửa chữa lớn... lưới điện được đầu tư, nâng cấp đảm bảo cấp điện trên địa bàn.

Với mô hình Công ty Điện lực tỉnh trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, Điện lực tỉnh Lạng Sơn chuyển thành Công ty Điện lực Lạng Sơn và các Chi nhánh điện thành các Điện lực, theo từng giai đoạn, mô hình cơ cấu tổ chức của Công ty được kiện toàn theo chỉ đạo của Tổng Công ty và phù hợp với yêu cầu về nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điện.

Ngày 01/12/2018, Công ty tiếp nhận lại Chi nhánh Lưới điện cao thế Lạng Sơn sau 13 năm chia tách, chuyển giao Phân xưởng Thí nghiệm điện và Phân xưởng Sửa chữa đại tu cải tạo lưới điện sang Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc quản lý vào tháng 3/2019; Sáp nhập Điện Lực Lộc Bình và Đình Lập thành Điện Lực Lộc Bình; Điện Lưc Thành phố và Cao Lộc thành Điện lực Thành phố; Năm 2020, Trung tâm Điều khiển xa Lạng Sơn được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Phòng Điều độ của Công ty. Như vậy, đến năm 2021, Công ty có Văn phòng, 10 phòng chức năng, 01 Trung tâm Điều khiển xa, 01 Ban Quản lý dự án, 09 Điện lực và 01 Đội QLVH lưới điện cao thế, với tổng số công nhân viên, lao động là 620 người. Ngoài ra, Công ty còn sử dụng các tổ dịch vụ bán lẻ điện năng thực hiện hỗ trợ công tác quản lý vận hành, kinh doanh bán điện tại các xã khu vực nông thôn.

 

 

Đóng điện thành công công trình “Đường dây và trạm biến áp 110kV Hữu Lũng”

Với mục tiêu tăng cường gắn kết nhân viên, xây dựng một tập thể đoàn kết, thống nhất, quyết tâm đổi mới, hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng, Công ty đã áp dụng tốt phương châm “Một đội ngũ - Một mục tiêu - Một hành trình’’. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, Công ty tổ chức, triển khai có hiệu quả các nội dung hành trình văn hóa của Tổng Công ty theo từng năm, nhằm củng cố các giá trị nền tảng văn hóa, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả; Tạo sự lan tỏa mạnh mẽ văn hóa học tập không ngừng đến toàn thể CBCNV-NLĐ; Xây dựng đội ngũ nhân viên gắn kết, luôn đoàn kết, hợp lực cùng nhau phấn đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mặt khác, để nâng cao chất lượng điện năng, củng cố phát triển lưới điện, Công ty đã nỗ lực kêu gọi các nguồn lực đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận. Hàng loạt dự án được triển khai thông qua các khoản vốn vay DEP 1, DEP 2, ADB, kfW... đã được Công ty triển khai để cải tạo lưới điện hạ áp đạt chuẩn. Đồng thời, Công ty còn mua sắm dây dẫn, huy động nguồn lực của huyện, xã, nhân dân để cùng đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn. Cùng với đó, Công ty đã cùng với các đơn vị trong ngành và địa phương để thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Năm 2021, Công ty đang triển khai Dự án cấp điện nông thôn cho 15 xã, 55 thôn với 2.024 hộ dân thuộc 08 huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Tràng Định. Dự kiến trong tháng 12/2021, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành đóng điện và đi vào vận hành.

Đến hết tháng 9/2021, quy mô quản lý của toàn Công ty, gồm: 214 km đường dây 110 kV và 04 trạm biến áp 110 kV với tổng công suất 250 MVA; 2.930 km lưới trung áp, 5.300 km đường dây hạ áp và 2.053 trạm biến áp phân phối…cấp điện đến 200/200 các xã phường, thị trấn (đạt 100%) với tỷ lệ hộ dân có điện lưới sử dụng là 98,88%.

Cũng trong giai đoạn 2016-2020, dấu ấn về nâng cao năng lực hệ thống và hiện đại hóa lưới điện đã được thể hiện rõ nét. Theo đó, Công ty đã thực hiện đóng điện 03 dự án 110 kV gồm: Trạm biến áp 110 kV Hữu Lũng; trạm biến áp 110 kV Đồng Đăng và lắp MBA T2 Đồng Đăng với tổng công suất đặt là 120 MVA; Phát triển đồng bộ các xuất tuyến trung áp, xóa bỏ 07/07 TBA trung gian để đưa về cùng 1 cấp điện áp; Đa chia – đa nối lưới điện, từ lúc chỉ có 8 mạch vòng trung áp, đến nay đã có 36 mạch vòng liên lạc nội tỉnh và 05 mạch liên tỉnh, linh hoạt vận hành, nâng cao độ tin cậy cấp điện cho khách hàng. Ngoài ra, Công ty còn hiện đại hóa lưới điện, cải tạo thiết bị các trạm biến áp 110 kV, đưa Trung tâm Điều khiển xa vào vận hành; Bổ sung các thiết bị bảo vệ, phân đoạn, tự động hóa mạch vòng trung áp, giám sát điều khiển xa các điểm recloser/LBS; Ứng dụng phương pháp hòa đồng bộ phía đường dây tại các máy cắt phân đoạn, liên lạc trung áp, lập trình tự động thay đổi phương thức, chuyển đổi nguồn, cô lập điểm sự cố và không làm ảnh hưởng tới khách hàng khi thao tác cắt tách sửa chữa thiết bị; Thi công sửa chữa, đấu nối công trình bằng phương pháp hotline đến điện áp 22 kV không làm mất điện phụ tải; Trang bị các thiết bị hiện đại như flycam, camera nhiệt, đo phóng điện cục bộ PD, nâng cao hiệu quả kiểm tra lưới điện. Giảm chỉ số thời gian mất điện trung bình một khách hàng trên địa bàn tỉnh (SAIDI) từ 5.705 phút xuống còn 2.347 phút.

 

  

 

 Công ty Điện lực Lạng Sơn ủng hộ Đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt năm 2020

 

Trong công tác kinh doanh, Công ty đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh với chất lượng ngày càng cao. Hàng năm, các chỉ tiêu SXKD đều đạt kế hoạch do Tổng công ty giao; doanh thu tăng từ 12%-15%/ năm; Năm 2021 này, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng doanh thu của toàn Công ty ước đạt 1.544 tỷ đồng và điện thương phẩm ước đạt 815 triệu kWh, tăng gấp 5,8 lần về doanh thu và 3,4 lần về sản lượng so với năm 2010; Tổn thất điện năng giảm từ 11,47% năm 2010, xuống còn 7,47% trong năm 2021.

 

 

Hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ điện

Với phương châm “Lấy Khách hàng là trung tâm”, từ năm 2010 đến nay, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã ứng dụng nhiều thành tựu của khoa học công nghệ vào công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng. Các loại hình về dịch vụ điện, hóa đơn tiền điện điện tử, các yêu cầu của khách hàng … được tiếp nhận qua các kênh trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, nhằm đem đến sự hài lòng của khách hàng. Đặc biệt, từ năm 2013, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã thành lập Trung tâm Chăm sóc khách hàng với tổng đài chăm sóc khách hàng 19006769, mọi yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận và giải quyết một cách nhanh chóng với trình tự, thủ tục, chi phí cung cấp dịch vụ điện…. được công khai, minh bạch.

Từ nhiều năm qua, Công ty Điện lực Lạng Sơn đang là một trong những đơn vị tiên phong của tỉnh thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Công ty đã hợp tác với các Ngân hàng và các tổ chức trung gian trên địa bàn thực hiện thu hộ tiền điện, triển khai các kênh thanh toán trên nền tảng internet và các ứng dụng thanh toán điện tử khác để tạo thuận lợi cho khách hàng thanh toán tiền điện và chi phí các dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, để các thông tin của ngành Điện đến được với khách hàng nhanh, chính xác và đầy đủ nhất, Công ty đã công khai các dữ liệu về chỉ số công tơ, điện năng sử dụng, tiền điện trên hệ thống mạng, cũng như triển khai nhắn tin qua Zalo, SMS đến khách hàng. Hàng tháng, khách hàng sẽ nhận được thông báo chỉ số công tơ và thông báo tiền điện, lịch ngừng cung cấp điện, tư vấn cách sử đụng điện an toàn, tiết kiệm…

Năm 2021 là năm thực hiện chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, Công ty đã thành lập Tiểu ban chỉ đạo về chuyển đổi số, Ban chỉ đạo an toàn thông tin, lập kế hoạch chuyển đổi số, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo người lao động nắm vững chủ trương, định hướng của Công ty và của Lãnh đạo Tổng Công ty về chuyển đổi số với 08 nội dung, nhiệm vụ chính bao gồm: Số hoá dữ liệu; Số hoá quy trình nghiệp vụ; Tương tác trên không gian số; Áp dụng công nghệ mới, tự động hoá trong hoạt động SXKD; Xây dựng hạ tầng đảm bảo chuyển đổi số; An toàn thông tin; Đào tạo; Truyền thông. Hiện nay, Công ty đã tích cực tham gia vận hành vào các hệ thống phần mềm dùng chung như: Phần mềm quản trị hệ thống nhân sự HRMS; Phần mềm chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ KPIs; Phần mềm văn hóa doanh nghiệp và phần mềm văn phòng điện tử E-Office. Đặc biệt, Công ty cũng đang tập trung triển khai dự án quản lý lưới điện trên bản đồ GIS; Quản lý nguồn và lưới điện (PMIS); Chuẩn hóa thông tin khách hàng và số hóa hợp đồng mua bán điện … Bên cạnh đó, trong lĩnh vực số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính kế toán, Công ty cũng đang xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện trung áp DMS; Dự án đa chia, đa nối MDMC. Công tác điện tử hóa hệ thống đo đếm luôn được Công ty đặc biệt quan tâm, qua 05 năm thực hiện, đã thay thế, đưa vào sử dụng 170.168 công tơ; Trong đó, công tơ kết nối đo xa là 151.200 chiếc (đạt 88,9%). Việc thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử có kết nối đo xa đã tiết kiệm được lao động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, giúp việc ghi chỉ số công tơ được chính xác. Mặt khác, hệ thống công tơ điện tử có kết nối đo xa được tích hợp lên trang Website cskh.npc.com.vn. Khách hàng có thể tự theo dõi, giám sát được lượng điện sử dụng hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp…

 

 

Ông Phạm Ngọc Minh – Giám đốc Công ty đón nhận Bằng khen của UBND tỉnh tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lạng Sơn lần thứ V giai đoạn 2020-2025

Song song với các công tác chuyên môn, Công ty hướng tới và thực hiện tốt nhiều hoạt động an sinh xã hội, hoạt động vì cộng động thiết thực khác như: Đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; quỹ vì người nghèo; quỹ nồi cháo tình thương… với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, Đơn vị còn trợ giúp, thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ, chính sách, người nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, gặp mặt tặng quà cán bộ hưu trí … Đặc biệt, đã trở thành nét đẹp truyền thống, cứ đến tháng 12 hàng năm, Công ty tổ chức thực hiện tốt tháng “Tri ân khách hàng” và “Tuần lễ hồng EVN”, cũng như chia sẻ với những khó khăn của khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Từ năm 2020 đến nay, Công ty đã thực hiện 04 đợt giảm tiền điện cho khách hàng với số tiền khoảng 52,48 tỷ đồng. Bằng các hoạt động thiết thực, ý nghĩa đó đã góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh Công ty Điện lực Lạng Sơn chuyên nghiệp, thân thiện, giàu truyền thống, nhân văn…

Có được những kết quả toàn diện như trên của Công ty, ngoài sự tận tâm, cố gắng của Công ty, còn có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Công ty Điện lực Lạng Sơn. Trong suốt chiều dài lịch sử 55 năm, Tổ chức Đảng của đơn vị luôn giữ vững vai trò tiên phong, lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt hoạt động của đơn vị để thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành, của tỉnh và Đảng ủy cấp trên giao, đó là: Phát điện, quản lý vận hành, xây dựng và phát triển lưới điện để cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Cùng với đó, những năm qua, Tổ chức Đảng của đơn vị đã luôn kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mình để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc kiện toàn, phát triển các tổ chức Đảng trực thuộc được gắn với công tác phát triển mô hình, bộ máy quản lý của Công ty. Từ một Chi bộ với 08 đảng viên, đến nay, Đảng bộ Công ty đã liên tục phát triển cả về lượng và chất lượng với 253 đảng viên/620 CBCNV-NLĐ, sinh hoạt tại 16 Chi bộ. Đảng bộ Công ty thường xuyên quan tâm, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, luôn nắm vững và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp và ban hành các nghị quyết chuyên đề theo nhiệm kỳ, theo năm … để lãnh đạo đơn vị. Mọi chủ trương, biện pháp, quyết định vấn đề quan trọng của tổ chức Đảng đều được thảo luận công khai, dân chủ, tập trung trí tuệ và quyết định theo đa số. Nhờ làm tốt công tác đảng, nên nhiều năm liền, Đảng bộ đều đạt tiêu chuẩn “Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh”. Đảng bộ luôn quan tâm, củng cố, xây dựng chỉ đạo, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh, hàng năm, các đoàn thể đều được cấp trên đánh giá hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với những kết quả đã đạt được trong 55 năm xây dựng và phát triển, những năm tới, Công ty tiếp tục sử dụng tốt các nguồn lực để phấn hoàn thành các chỉ tiêu SXKD giai đoạn 05 năm 2021 - 2025, với một số chỉ tiêu chính như: Sản lượng điện thương phẩm bình quân tăng trên 7%/năm, ước đạt trên 1,065 tỷ kWh vào năm 2025; Tỷ lệ tổn thất điện năng ≤ 4,98%; Thời gian ngừng cấp điện trung bình của 01 khách hàng (SAIDI) ≤ 805 phút; Khu vực nông thôn không còn khách hàng sử dụng điện áp thấp. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, hiện đại hóa lưới điện, đảm bảo năng lực phân phối và phù hợp với phát triển thị trường điện; lưới cao áp đưa vào vận hành 02 TBA 220 kV Lạng Sơn và Đồng Mỏ; 04 TBA 110 kV Cao Lộc, Tràng Định, Lộc Bình, Bình Gia; cải tạo các mạch 110 kV liên kết lưới điện vùng, lưới điện khu vực, vận hành kinh tế. Phát triển lưới điện trung áp, vừa đảm bảo khả năng dự phòng truyền tải, cũng như khả năng liên kết theo tiêu chí N-1, vừa nâng cấp lưới trung áp có độ tin cậy và chất lượng điện năng cao tại các khu vực phụ tải quan trọng, phụ tải ưu tiên, các khu cụm công nghiệp, khu vực dân cư tập trung; Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, đặc biệt là chuyển đổi số trong quản lý lưới điện, kinh doanh, dịch vụ khách hàng nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo bước đột phá trong công tác quản trị của Công ty giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong Công ty, xây dựng mỗi CBCNV-LĐ trong Công ty là một con người sống có trách nhiệm với xã hội, với phương châm “Một đội ngũ - Một mục tiêu - Một hành trình, “lấy” khách hàng làm trung tâm” và “Vì niềm tin của bạn”, quyết tâm xây dựng Công ty Điện lực Lạng Sơn trở thành một doanh nghiệp văn hóa, văn minh.

 

 

Công ty Điện lực Lạng Sơn đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhì năm 2016

Nhìn lại chặng đường 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, có thể thấy một điều xuyên suốt là dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trong mưa bom bão đạn của thời kỳ chiến tranh, hay những nhọc nhằn, khó khăn của một thời quản lý tập trung và cả trong giai đoạn cơ chế kinh tế thị trường đầy cạnh tranh khốc liệt, lớp lớp các thế hệ CBCNV-NLĐ Công ty Điện lực Lạng Sơn luôn mang trong mình một bầu nhiệt huyết, tất cả vì dòng điện quê hương tỏa sáng. Sự phát triển của tỉnh Lạng Sơn hôm nay có những đóng góp hết sức quan trọng của ngành Điện nói chung và Công ty Điện lực Lạng Sơn nói riêng. Với những thành tích, kết quả đã đạt được qua các thời kỳ, Công ty đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba… và nhiều phần thưởng khác của các Bộ, ngành, địa phương. Đây chính là nguồn động viên quý giá để Công ty tiếp tục vững bước trên những chặng đường tiếp theo, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành Điện Việt Nam và có đóng góp tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Công ty Điện lực Lạng Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Tin cùng thư mục :

Danh Mục
Thống kê
Membership Thống kê
Latest New User Mới nhất : 12MzFphi')) OR 869=(SELECT 869 FROM PG_SLEEP(15))--
Past 24 Hours Hôm qua : 0
Prev. 24 Hours Hôm nay : 179
User Count Toàn bộ : 579

People Online Đang Online:
Visitors Khách : 32
Members Thành viên : 0
Total Tổng cộng : 32

Online Now Online Now:
Lên trên  |   Trang Chủ  |  Giới Thiệu  |  ĐK Mua Điện  |  Lien He  |  So Do  |  Lịch Cắt Điện  |  LichTuan  |  GopY  |  zTHSX  |  Trang Chủ